VIETNAMESE SCHOOLS OF NEW SOUTH WALES

VIETNAMESE PARENTS & CITIZENS ASSOCIATION

LIÊN TRƯỜNG VIỆT NGỮ nsw

Vài suy nghĩ về sự đóng góp của báo chí trong việc phát triển tiếng Việt và hỗ trợ chương trình giảng dạy tiếng Việt trong học đường


TS Nguyễn Văn Bon

Tài liệu tham khảo trong bài viết gồm: *Bài tường thuật của các phóng viên về những ý kiến của một số học giả, nhà giáo dục, nhà báo trong buổi hội thảo ngày 5 tháng 11 năm 2016 tại Hà Nội về thực trạng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng * Những ý kiến của một số học giả trong và ngoài nước về tình trạng sử dụng tiếng Việt trên một số báo chí (báo in và báo điện tử).* Ý kiến của giáo viên về qui tắc và chuẩn mực tiếng Việt trong bài “Vài suy nghĩ về vai trò của giáo viên trong việc giữ gìn và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt (cùng tác giả), Tập san số 10, năm 2016 Nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long – Úc Châu.

Bài viết không đi sâu về ngữ pháp tiếng Việt, chỉ sơ lược vài qui tắc căn bản của tiếng Việt và nêu ra một số thí dụ về những lỗi thường gặp khi dùng tiếng Việt. Những điều trình bày trong bài viết chắc chắn còn thiếu sót. Người viết hy vọng đây là tài liệu để tham khảo.

I. Dẫn nhập

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng của con người và xã hội loài người. Trong một quốc gia, ngôn ngữ là công cụ liên kết, truyền đạt, tạo sự hiểu biết lẫn nhau của các thành viên sử dụng ngôn ngữ đó. Trong lãnh vực giáo dục,vai trò của ngôn ngữ rất đa dạng, vì việc dạy và học chủ yếu dựa trên ngôn ngữ. Không có ngôn ngữ, lĩnh vực giáo dục khó có thể tồn tại. Cùng với sự phát triển của xã hội, ngôn ngữ cũng biến đổi và hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu giao tiếp mới. Thật vậy, ngôn ngữ luôn phát triển và tiếng Việt là một sinh ngữ nên cũng không ngoại lệ.

Nhưng hiện nay, đứng trước sự thay đổi quá nhanh của ngôn ngữ, nhiều người quan tâm đến ngôn ngữ nước nhà, đã lo lắng và cảnh báo: “tiếng Việt đang bị xuống cấp”. Hiện tượng nói và viết tiếng Việt tùy tiện, bừa bãi, trong học đường cho đến ngoài xã hội, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sách báo thì in sai, in quá nhiều lỗi hoặc sử dụng từ thiếu chuẩn mực văn hóa. Trên các trang mạng, từ nói năng văng tục bát nháo, tùy hứng,đến viết câu văn bất chấp các chuẩn mực chính tả tối thiểu. (1)

Cùng quan điểm trên, một nhà giáo dục cho rằng đứng trước tình trạng xuống cấp của tiếng Việt, chúng ta phải quan tâm và phải có thái độ kiên quyết để duy trì tính trong sáng của ngôn ngữ Việt, ngôn ngữ là sự kết tinh những giá trị bản sắc, tinh hoa của một dân tộc, là một bộ phận quan trọng của văn hóa. Ngôn ngữ được coi như là “căn cước văn hóa dân tộc”. Do đó giữ gìn tiếng nói hay ngôn ngữ dân tộc là việc làm tất yếu. (2)

Nguyên nhân nào dẫn đến tiếng Việt ngày càng giảm sút sự trong sáng? Có ý kiến cho rằng do đa số người dân thiếu ý thức, thiếu nhận thức và thiếu tự hào về tầm quan trọng của ngôn ngữ dân tộc. Ngoài ra, những nhà giáo dục cũng có phần trách nhiệm là thiếu quan tâm hướng dẫn người dân thực hiện các qui tắc, chuẩn mực khi sử dụng tiếng Việt.

Các nguyên nhân trên có lẽ đúng, nhưng chưa đủ. Còn một nguyên nhân nữa là trách nhiệm của cơ quan truyền thông nói chung và cơ quan báo chí nói riêng.

Báo chí là một trong các phương tiện truyền thông được sử dụng để truyền đạt thông tin rộng rãi đến đại chúng. Báo chí được nhiều người coi là mẫu mực trong việc sử dụng ngôn ngữ, đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển tiếng Việt. Nếu có sai sót, lệch chuẩn về sử dụng tiếng Việt trên báo chí sẽ tác động nhanh chóng đến đông đảo công chúng, ảnh hưởng đến việc sử dụng tiếng Việt của giới trẻ, và đặc biệt ảnh hưởng đền việc học tiếng Việt của học sinh.

Qua một số nghiên cứu về vai trò của báo chí trong việc dạy và học ngôn ngữ, các nhà giáo dục cho biết sự sử dụng báo chí như là một công cụ hỗ trợ giảng dạy rất quan trọng đối với học sinh, vì nó không chỉ cung cấp tin tức xác thực mà còn nâng cao kỹ năng ngôn ngữ. (3)

Vậy báo chí phải làm gì để hoàn thành trách nhiệm trong việc phát triển, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt,và hỗ trợ cho chương trình giảng dạy tiếng Việt trong học đường?

Trong phạm vi bài viết ngắn, xin đề cập đến ba vấn đề:

1. Sơ lược các giai đoạn hình thành và đóng góp của báo chí trong việc phát triển tiếng Việt.

2. Nhiệm vụ của báo chí trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

3. Sử dụng báo chí trong việc dạy và học tiếng Việt.

II. Sơ lược các giai đoạn hình thành và đóng góp của báo chí trong việc phát triển tiếng Việt

Chữ Quốc ngữ được tạo ra vào đầu thế kỷ 17, nhưng chỉ được sử dụng trong phạm vi các tu viện. Đến năm 1862 các giáo sĩ được tự do truyền đạo, số giáo dân tăng lên, nên các sách bằng chữ Quốc ngữ, truyện, tuồng, thơ ca mang tính tôn giáo được in ra và chữ quốc ngữ càng ngày càng được phổ biến trong các giáo khu.

Năm 1862, Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, gồm Gia Định, Định Tường và Biên Hòa. Đến năm 1867, Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, gồm Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Hòa ước năm Giáp Tuất 1874, Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp. Năm 1884, Hoà ước Patenôtre đặt Trung Kỳ và Bắc kỳ dưới quyền bảo hộ của Pháp. Người Pháp muốn dùng chữ Quốc Ngữ làm phương tiện cai trị và để bành trướng văn hóa, tư tưởng của Pháp, đồng thời để truyền bá ngôn ngữ Pháp và mở mang nền tảng học vấn hoàn toàn Pháp. Từ năm 1878, chánh quyền Pháp bắt buộc các văn kiện hành chánh phải viết bằng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp.

Tuy lúc ban đầu, việc phổ biến chữ Quốc ngữ gặp sự phản kháng của một số thân hào nhân sĩ và vài thành phần trong xã hội, cho rằng chữ Quốc ngữ là vũ khí xăm lăng văn hóa của Pháp, nhưng các sĩ phu yêu nước và các văn thi sĩ Việt Nam nhận thấy sự tiện lợi và ích lợi của chữ Quốc ngữ, nên lợi dụng phương tiện nầy để phát huy nền văn hóa nước nhà. Chữ Quốc ngữ bắt đầu được sử dụng trong lãnh vực giáo dục, báo chí, dịch thuật, biên khảo và văn học.

Những tờ báo đầu tiên dùng để phổ biến thông báo của chánh quyền và do nhà nước phát hành. Về sau, các người theo tân học, được đào luyện trong các trường Pháp-Việt đứng ra tổ chức các tờ báo, tạp chí để phổ biến chữ Quốc ngữ và các tư tưởng Âu-Tây.

Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, nhiều tổ chức truyền bá chữ Quốc ngữ ra đời và nhờ báo chí làm phương tiện giúp phổ biến và hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Sau đây là sơ lược các giai đoạn hình thành và phát triển của báo chí chữ Quốc ngữ tại Việt Nam (4).

Giai đoạn 1

Về hoạt động báo chí, trong Nam có tờ Gia Định Báo (1865), do chánh quyền chủ trương, là tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên xuất bản tại Sài Gòn, ngày 15/4/1865 do ông Huỳnh Tịnh Của làm chủ biên và từ 1869 Ông Trương Vĩnh Ký làm chủ bút. Lúc đầu, Gia Định Báo là công cụ thông tin của người Pháp, chuyên đăng các công văn, nghị định, thông tư của chính quyền Pháp. Đến khi ông Trương Vĩnh ký làm chủ bút, thì tờ báo mới có những mục biên khảo, thơ văn bằng chữ Quốc ngữ, cổ động học chữ Quốc ngữ. Gia Định Báo mở đường cho việc phổ biến chữ Quốc ngữ. Ông Trương Vĩnh Ký đưa ra ba mục tiêu cho tờ báo là: Truyền bá chữ Quốc ngữ trong dân chúng, Cổ động tân học trong nước, Khuyến khích dân chúng học chữ Quốc ngữ.

Tiếp theo nhiều báo khác do tư nhân sáng lâp, như Phan Yên Báo (1868), Nhật trình Nam Kỳ (1883), tờ Nông Cổ Mín Đàm ra mắt tại Sài Gòn năm 1901-1921 và tờ Nhật báo tỉnh (1905) đều viết bằng chữ Quốc ngữ.

Ở Bắc kỳ, năm 1892 Nha Kinh Lược cho xuất bản tờ Đại Nam Đồng Văn Nhựt Báo. Năm 1905 tờ Đại Việt Tân Báo viết bằng chữ Nho và chữ Quốc ngữ, do ông BaBut làm chủ nhiệm và Đào Nguyên Phổ làm chủ bút. Năm 1907 hai ông Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Kế Bính chủ trương tờ Đại Nam Đăng Cổ Tùng Thư (tức là tờ Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo năm 1892) tuyên truyền và khuyến khích việc học và sử dụng chữ Quốc ngữ trong sinh hoạt hàng ngày trong dân chúng.

Giai đoạn 2

Trong thời kỳ nầy, số lượng báo xuất bản có gia tăng, tuy còn ít, nhưng góp phần vào việc thành lâp quốc văn, truyền bá rộng rãi chữ Quốc ngữ trong 3 miền đất nước.

Đến khi tờ Đông Dương Tạp Chí (1913) do ông Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút, xuất bản tại Hà Nội, và tờ Nam Phong Tạp Chí (1917) do Louis Marty sáng lập, Ông Phạm Quỳnh làm chủ bút phần Việt ngữ, ông Nguyễn Bá Trác phụ trách phần Hán văn. Đến tháng 9/1919, Phạm Quỳnh trở thành Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Đến năm 1922 báo có thêm phụ trương tiếng Pháp. (5)

Khi “Đông Dương tạp chí” và “Nam Phong tạp chí” ra đời thì việc truyền bá và hoàn thiện chữ Quốc ngữ của báo chí được phát triển mạnh mẽ. Hai tạp chí nầy xuất bản ở miền Bắc nên cách viết, sử dụng từ, sử dụng câu văn, đoạn văn, lối phát âm có khác với các tờ báo miền Nam. Trên tạp chí Đông Dương có nhiều bài về cách dạy và học chữ quốc ngữ, cách đánh vần, viết chánh tả, cách phát âm giữa miền miền Nam với miền Bắc. Năm 1918, tờ Nữ Giới Chung (tiếng chuông của nữ giới) do Sương Nguyệt Anh làm chủ bút. Sương Nguyệt Anh là thứ nữ của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Tờ báo phát hành số đầu tiên ngày 1/2/1918, chủ trương nâng cao dân trí, đề cao vai trò của phụ nữ, khuyến khích công, nông, thương.

Tiếp đến là tờ Phong Hóa (1932), tờ Ngày Nay (1935) của Tự Lực Văn Đoàn do ông Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) chủ biên.

Giai đoạn 3

Báo chí có sự chuyển biến. Năm 1935 lệnh kiểm duyệt được bãi bỏ, nên báo chí Quốc ngữ xuất bản nhiều hơn. Các tin tức và hình ảnh được đăng nhanh chóng, có các bài bình luận về thời sự, chuyên khảo về văn học, nghệ thuật, chánh trị, xã hội… Các báo trong thời kỳ nầy gồm: Ngày nay (1935), Nam Cường (1938), Tin tức (1938), Cấp tiến (1938)…

Giai đoạn kế tiếp: Thời kỳ chiến tranh, tình hình bất ổn (1939-1954). Thời kỳ phân chia hai miền Nam - Bắc (1954-1975) và sau biến cố 30-4-1975.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, nước Việt Nam tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17 thành hai miền Nam, Bắc. Miền Bắc theo hệ thống xã hội chủ nghĩa, miền Nam theo thể chế tự do. Mặc dù có khác nhau về ý thức hệ, thể chế chánh trị, nhưng báo chí Việt ngữ của hai miền vẫn tiếp tục phát triển. Đặc biệt sau biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975 nền báo chí Quốc ngữ tại hải ngoại của người Việt vẫn tiếp tục duy trì.

III. Nhiệm vụ của báo chí trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Báo chí đã góp phần làm cho tiếng Việt thêm phong phú và đa dạng. Tuy nhiên trên một số báo chí, còn một số lỗi khi sử dụng tiếng Việt cần được quan tâm, cải thiện để làm cho tiếng Việt trong sáng và góp phần dạy và học tiếng Việt trong học đường.

A. Môt số ý kiến về thực trạng tiếng Việt trên báo chí

Trong buổi hội thảo ngày 5 tháng 11 năm 2016 về sử dụng tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều học giả cho rằng báo chí Quốc ngữ góp phần không nhỏ vào sự phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Một số cơ quan báo chí, truyền thông đã có cố gắng nâng cao phẩm chất của ngôn ngữ Việt. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng hiện nay vẫn còn những bất cập trong việc sử dụng tiếng Việt trên báo chí. Còn khá nhiều vấn đề liên quan đến ngôn ngữ báo chí truyền thông được dư luận quan tâm. Từ việc sáng tạo ngôn ngữ quá đà, đến việc làm cho ngôn ngữ bị lệch chuẩn, nhiều lỗi về Truyền thông bên cạnh việc định hướng thông tin, cũng cần định hướng sử dụng ngôn ngữ. Bởi những sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ, về sử dụng tiếng Việt trên báo chí sẽ tác động nhanh chóng, rộng khắp đến đông đảo công chúng, nhiều khi trở thành hiệu ứng lan truyền chuẩn mực ngôn ngữ: Dùng từ ngữ, câu văn tùy tiện, thiếu cân nhắc, sai thực tế, sử dụng tiếng nước ngoài thiếu chọn lọc làm ảnh hưởng đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ. Hiện tượng này ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt. (6)

Mức độ lỗi dùng tiếng Việt trên các báo khá phổ biến và đáng báo động. Báo chí thiếu quan tâm về cách dùng từ, câu văn, đoạn văn, thiếu đổi mới văn phong báo chí và sử dụng tiếng nước ngoài còn tùy tiện thiếu cân nhắc. Giáo sư TS Nguyễn văn Khang cho rằng các lỗi về sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông, báo chí hiện nay có nguy cơ làm suy yếu tiếng Việt. Sử dụng ngôn ngữ theo kiểu “viết như nói”, và “nói như viết”, sai chính tả tràn lan. Theo kết quả khảo sát của Phó giáo sư TS. Đào Thanh Lan, trong khoảng 130 bài báo đủ thể loại, có gần 61% bài có lỗi, chiếm gần 50%. Các lỗi thuộc phạm vi văn bản (đặt tiêu đề chưa phù hợp nội dung, lỗi phân đoạn, lỗi dùng phép liên kết câu…) và lỗi thuộc phạm vi câu.(7)

Theo nhà báo Nguyễn Văn Hải, một số báo chí chưa thấy hết trách nhiệm của mình về việc góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Đáng lẽ báo chí phải làm gương, thực hiện qui chuẩn về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, một số báo chí (báo giấy và báo điện tử...) dành cho giới trẻ đã đăng những tin bài còn nhiều sơ suất, sai sót về văn phong, ngữ pháp tiếng Việt, lẫn lộn tiếng ta với tiếng nước ngoài. Đã biết rằng ngôn ngữ luôn thay đổi, nhưng ngôn ngữ phải tuân theo qui luật phát triển của xã hội. Những từ mới ra đời thay thế những từ cổ cũng dễ dàng được xã hội chấp nhận, vì những từ cổ nầy không còn phù hợp với xã hội hiện đại, và sự tiến bộ khoa học... . “Tuy nhiên, những giá trị thuần khiết, trong sáng, tinh tế của tiếng Việt đã được các thế hệ người Việt tạo dựng, bồi đắp, lưu trữ, trao truyền cần phải được giữ gìn, bảo vệ ở mọi lúc, mọi nơi.... Ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng nhất để làm nên bản sắc văn hóa và truyền thống văn hiến của một quốc gia, dân tộc...(8)

Tóm lại, hiện nay, một số báo chí chú trọng nhiều đến nội dung tin tức... mà ít quan tâm đến qui tắc và chuẩn mực trong tiếng Việt khi trình bày thông tin.

B. Qui tắc và chuẩn mực trong tiếng Việt

Tiếng Việt có hệ thống chuẩn mực, qui tắc chung về dùng từ, phát âm, chữ viết, câu văn, bài văn và lời nói... Khi sử dụng tiếng Việt, nếu muốn linh hoạt, uyển chuyển, sáng tạo, thì cũng phải lấy chuẩn mực, qui tắc chung làm căn bản. Sau đây là một số lỗi sử dụng tiếng Việt thường gặp trên báo chí.

1. Sử dụng từ

Trong ngôn ngữ thì từ là đơn vị cơ bản, được sử dụng để tạo ra những đơn vị cao hơn như cụm từ, câu và văn bản… Có thể ví từ như những viên gạch để xây “tòa nhà ngôn ngữ”. Nói cách khác, nếu không có từ thì không thể tiến hành giao tiếp và ngôn ngữ cũng không tồn tại. ( 9)

Muốn sử dụng ngôn ngữ, điều kiện cần thiết là phải có một số vốn từ căn bản và biết được qui tắc sự kết hợp từ, tạo thành câu. Nếu chỉ biết một số qui tắc ngữ pháp mà không có một số vốn từ phong phú, thì sự giao tiếp sẽ rất hạn chế. Thật vậy, muốn nói và viết đúng phong cách và chuẩn tiếng Việt, chúng ta phải hiểu qui tắc dùng từ và tạo câu. (10)

Trong giao tiếp, nói hay viết phải đúng qui tắc và chuẩn mực của tiếng Việt, bao gồm:

- Sử dụng từ đúng ngữ âm, đúng chánh tả.

- Sử dụng từ đúng ngữ nghĩa và ngữ pháp.

1.1. Sử dụng từ đúng ngữ âm và chánh tả

Tiếng Việt là thứ tiếng đơn âm, dồi dào âm thanh vì có nhiều dấu (có 6 thanh, một thanh không có dấu giọng và 5 thanh có dấu giọng: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng). Nếu đọc sai dấu hay viết sai dấu và sai chánh tả sẽ gây ra sự hiểu lầm. Nếu phát âm sai, khiến sai về chánh tả.

Thí dụ: Cuộc “chanh đấu” của dân tộc ta …. (phải nói: tranh đấu). Chúng ta đi xem triễn lãm “chanh” của hoạ sĩ X (phải nói tranh). Chúng ta phải có chách nhiệm đối với gia đình (sửa lại trách nhiệm). Cô giáo nói chưa dứt nời, mà học sinh nại ghi chép (phải sửa lại: dứt lời, lại ghi chép). Anh ta là chụ cột của gia đình (phải sửa lại trụ cột). Các học sinh đang chơi chong sân trường (phải sửa lại trong sân trường).

Người miền Nam khi nói không phân biệt phụ âm đầu D/V/GI. Thí dụ: - Tôi học tiếng Diệt (sửa lại tiếng Việt). - Da đình tôi có năm người (sửa lại Gia đình tôi…)

Về phát âm, có một số đặc trưng khiến cho việc học tiếng Việt không dễ. Một trong cái khó là các yếu tố bất cập của chính tả tiếng Việt. Thí dụ: phụ âm có phát âm gần giống nhau như g/gh; ng/ngh; c/k. Phụ âm “g” chỉ ghép với nguyên âm u (gu), o (go), ô (gô), ơ (gơ), a (ga). Phụ âm “gh” chỉ ghép với nguyên âm i (ghi), e (ghe), ê (ghê). Phụ âm “ng” chỉ ghép với nguyên âm u (ngu), ư (ngư), o (ngo) , ô (ngô), ơ (ngơ), a (nga). Phụ âm “ngh” chỉ ghép với nguyên âm i (nghi), e (nghe), ê (nghê). Phụ âm “c” chỉ ghép vối nguyên âm u (cu), ư (cư), o (co), ô(cô), ơ (cơ), a (ca). Phụ âm “k” chỉ ghép với nguyên âm i (ki), e (ke), ê (kê), y (ky).

Chữ quốc ngữ theo nguyên tắc ghi âm, mà cách phát âm từng vùng, từng địa phương khác nhau, nên người quen với cách phát âm của vùng mình đang sinh sống nên phát âm thế nào thì viết ra thế nấy. Thí dụ: người miền Bắc lẫn lộn các phụ âm đầu TR/CH; S/X; người miền Nam và miền Trung lẫn lộn hai thanh hỏi/ngã và các phụ âm cuối C/T; N/NG.

Có ý kiến cho rằng nên lấy phương ngữ Bắc và âm Hà Nội làm tiêu chuẩn cho tiếng Việt. Đối với tiếng Việt, việc nầy không cần thiết, vì sự thống nhứt của tiếng Việt không phải là lấy một phương ngữ hay một hệ âm của một miền làm chuẩn. Thí du, không nên theo cách phát âm thực tế của cư dân miền Bắc mà viết, chẳng hạn Nguyễn Trãi là Nguyễn Chãi, hay phát âm của cư dân miền Nam và miền Trung mà viết Nguyểng. (11)

Trong ngôn ngữ Việt, không có sự kỳ thị tiếng nói, giọng nói địa phương. Tiếng nào mà toàn dân chưa có, có thể du nhập tiếng địa phương để làm giàu cho ngôn ngữ. Nhưng tiếng địa phương cũng cần chuẩn hóa để phù hợp với ngôn ngữ chung. Thí dụ, chỉ có vùng Bắc Trung Bộ, gọi con trâu là con tru; chúng ta không thể viết con tru thay cho con trâu. (12)

Cho dù có điển chế hay chuẩn hóa ngôn ngữ, cũng không thể loại bỏ hết tiếng địa phương. Trong công văn, sách giáo khoa, chúng ta có thể dùng tiếng chính thức, nhưng trong sinh hoạt thường ngày, người dân vẫn dùng tiếng trong miền của họ. Đối với những nhà văn, khi cần, tùy chỗ mà dùng tiếng địa phương cho bài văn thêm phong phú. (13)

Hơn nữa, tiếng Việt là một ngôn ngữ thống nhứt trên toàn cõi đất nước từ ngàn xưa. Nhưng trên bước đường Nam tiến, do sự tiếp xúc với các dân tộc khác như Chiêm Thành, Cao Miên…tiếng nói có thay đổi chút ít, nhưng vẫn là một gốc. Giọng nói của người miền Bắc, miền Trung và miền Nam tuy có hơi khác nhưng người dân ba miền vẫn hiểu nhau. Trong tiếng Việt, có nhiều từ ngữ “song tiết” tạo thành bằng cách ghép một yếu tố của phương ngữ Nam với phương ngữ Bắc. Thí dụ: Từ ghép do hai từ có nghĩa để thành nghĩa tổng hợp: thóc lúa, trông coi, to bự, chăn mền, thuê mướn, hình ảnh, đau ốm, béo mập…(14)

Ngày nay, nhờ sự phát triển của truyền thông, rào cản ngôn ngữ được gỡ bỏ khá nhanh. Người của ba miền, Nam, Trung, Bắc khi nói chuyện đều hiểu nhau. “Ngày nay rất nhiều từ ngữ, cách nói của các địa phương đã thâm nhập vào phương ngữ Bắc Bộ, rồi đi vào làm giàu cho ngôn ngữ toàn dân. Cùng với đóng góp trong lĩnh vực kinh tế và văn hoá, Nam Bộ đã đóng góp cho ngôn ngữ toàn dân vô số những từ ngữ và cách nói đặc thù như hết ý, hết xảy, nhậu, xỉn, lai rai, bông trái, trễ, dơ, mắc cỡ, v.v.” (15)

Thật vậy, mỗi tiếng nói ở miền nào thì phản ảnh tâm tư tình cảm, đượm tình quê hương của người dân miền đó.

1.2. Sử dụng từ đúng ngữ nghĩa và ngữ pháp

Trong giao tiếp, lỗi về dùng từ không phù hợp với nghĩa của câu văn làm cho câu sai ý muốn diễn đạt, dẫn đến lời văn không trong sáng, làm cho người nghe hoặc người đọc không hiểu được nội dung và ý nghĩa. Muốn vậy khi dùng từ,chúng ta phải chú ý quan hệ ngữ nghĩa và quan hệ ngữ pháp khi kết hợp từ.

1.2.1. Quan hệ ngữ nghĩa

Phương pháp cấu tạo từ trong tiếng Việt là phương pháp ghép và phương pháp láy để tạo ra từ mới có nghĩa. Phương thức ghép phải theo qui luật kết hợp ngữ nghĩa. Thí dụ: xe+đạp= xe đạp; nhà+cửa= nhà cửa; máy+bay= máy bay; đất+nước= đất nước. Phương thức láy theo qui luật phối hợp ngữ âm. Thí dụ: đủng đỉnh; lủng củng; lỏng lẻo; mát mẻ, rẻ rúng, gắt gỏng…

Sau đây là vài ý kiến khi dùng từ tiếng Việt:

a. Dùng từ đúng nghĩa: Khi nói hay viết phải dùng từ cho đúng nghĩa cần thể hiện. Khi dùng từ, nên lưu ý đến nghĩa đen và nghĩa bóng. Dùng từ đúng thì văn mới rõ ràng. Muốn dùng từ tinh xác thì phải hiểu rõ nghĩa từng tiếng và viết đúng chánh tả.

Thí dụ: từ khoảnkhoảng (khoản: điều khoản trong họp đồng, ngân khoản, trái khoản... Từ khoảng: khoảng cách, khoảng trống, khoảng chừng...). Từ bản với bảng (từ bản: bản hiệp ước, một bản đàn, biên bản, bản án, bản báo cáo, bản chất, bản doanh, bản địa, bản đồ. Từ bảng: bảng đen trong lớp học, bảng chỉ dẫn, bảng số xe, bảng chữ cái, bảng vàng, bảng lảng, bảng nhãn...).

Vài thí dụ khác:

Từ trắng. Nếu kết họp với từ tay sẽ có hai nghĩa khác nhau; tay trắng có nghĩa là bàn tay có màu trắng, bị một vật gì màu trắng dính vào hay da tay màu trắng. Còn “trắng tay” có nghĩa thất bại trong công việc, không còn sự nghiệp tài sản gì cả. Sau khi bị phá sản, anh ta đã “trắng tay”.

Từ khách. 1./ Nhà có khách đến thăm (khách khứa). 2./ Người đến mua bán giao dịchkhách hàng): cửa hàng có nhiều khách. 3./ Người đi đường bằng phương tiện giao thông (hành khách): hành khách đã lên xe. Không thể nói cửa hàng có nhiều hành khách….

Từ tìm và từ kiếm là hai từ đồng nghĩa nhưng khi kết hợp với một từ khác thì có nghĩa khác nhau. Anh A đi khắp nơi để tìm đứa con trai bị thất lạc, khác với câu Anh A cưới vợ để kiếm con trai.

Hiện nay, trên một số báo chí, người ta thấy có nhiều từ không đúng nghĩa, hoặc không nghĩa. Thí dụ:

Đẳng cấp: Có báo viết: cầu thủ nầy rất đẳng cấp, chiếc xe nầy thuộc loại đẳng cấp. Tại sao không nói cầu thủ nhà nghề, hay chiếc xe thuộc loại sang, đắt tiềnTừ đẳng cấp là hình thức phân biệt giai cấp nói chung, gồm tập đoàn người có những đặc quyền riêng, khác với tập đoàn khác về thứ bậc (16). Từ đẳng cấp có nghĩa thứ bậc (đẳng cấp thấp, đẳng cấp cao ), không có nghĩa giỏi, sang…

Sáng lạng xán lạn: có âm gần giống nhau. Thí dụ: Học sinh nầy có tương lai sáng lạng (sai, không có trong từ vựng tiếng Việt); phải viết: xán lạn (đúng). Từ xán lạn có nghĩa rực rỡ, chói lọi (tiền đồ xán lạn).

b. Lưu ý đến từ có âm gần giống nhau, hoặc giống nhau nhưng nghĩa thì hoàn toàn khác nhau.

Sau đây là vài thí dụ:

- Triệu hồi và thu hồi: “Hàng ngàn xe ô tô bị triệu hồi do lỗi kỹ thuật: 80% số xe chưa được sửa lỗi” (Báo Lao Động, ngày 9.11.2015 đăng bản tin của “Nhóm TV”). Phải dùng từ thu hồi thay vì triệu hồi. Triệu hồi có nghĩa mời về, gọi về, thí dụ: Chánh phủ triệu hồi đại sứ tại Trung Quốc về nước… Còn xe ô tô là vật chất, đồ vật, phải nói là thu hồi.

- Xanh và xanh xao: Trong vườn có nhiều cây lá xanh xao ( xanh xao chỉ dùng cho người, chữ xanh dùng cho cây lá)

- Hủ tục và thủ tục: Khi chúng ta bị bịnh, nên đến bác sĩ để được chửa trị, không nên mê tín, nhờ thầy bùa, thầy pháp. Mê tín là một “thủ tục”(phải nói: hủ tục)

- Từ mãi mại: Khuyến mại (bán) và khuyến mãi (mua); mãi dâm (mua dâm) và mại dâm (bán dâm). Thí dụ: Một quảng cáo: Bắt đầu từ ngày 15-5-2015 đến hết ngày 30-10-2015, cửa hàng có giá khuyến mại (phải nói: khuyến mãi, tức là có hạ giá để khuyến khích người mua). Một bản tin trên báo: … Cảnh sát đã bắt giữ 10 gái mãi dâm … (phải nói là gái mại dâm, là bán dâm).

- Từ bàng quanbàng quang: Đứng trước sự tranh chấp quyền lợi giữa chủ và công nhân, chúng ta không thể có thái độ bàng quang (phải dùng từ bàng quan, có nghĩa là tự coi mình là người ngoài cuộc, việc đó không dính líu đến mình. Còn từ bàng quang là một bộ phận trong cơ thể, có nghĩa là bọng đái).

- Từ bàng bạc và bàn bạc: Bàng bạc có nghĩa màu hơi trắng pha sắc đục, trông không tươi (những đám mây bàng bạc sương mù bàng bạc, ánh trăng bàng bạc). Bàng bạc còn có nghĩa bị phai màu (quần áo đã ngã màu bàng bạc), tràn đầy, tràn ngập (Khí thế chiến đấu bàng bạc khắp non sông). Từ bàn bạc: thảo luận, trao đổi ý kiến (Vấn đề cần được bàn bạc kỹ).

- Từ quỹquỷ. Từ quỹ (dấu ngã): Số tiền thu góp, chi tiêu cho việc gì. Quỹ phúc lợi, quỹ cứu trợ. Thủ quỹ, công quỹ. Từ quỷ (dấu hỏi): ma quỷ, quỷ thần.

- Từ tri thứctrí thức. Tri thức: Những điều hiểu biết có hệ thống về sự vật (tri thức khoa học, tri thứ kinh tế, tri thứ chuyên môn...). Trí thức: người chuyên làm việc lao động trí óc, có hiểu biết chuyên môn về lãnh vực nghề nghiệp của mình (giới trí thức; một trí thức yêu nước). (17)

c. Tránh lỗi điệp tự: Tiếng Viết rất phong phú, có nhiều tiếng đồng nghĩa nhờ vậy khi viết văn, chúng ta lựa chọn từ áp dụng để tránh lỗi điệp tự. Thí dụ: Tiếng đồng nghĩa:

· thấy: trông, nom, nhìn, nhận, dòm, nhòm, ngắm, nghé, nhác, xem, coi, ngó

· ăn: xơi, ngốn, ngấu, thự, thồn, nuốt...

· hổ: hùm, cọp, chúa sơn lâm, ông ba-muơi....

Có trường hợp đem tiếng nầy thay tiếng kia mà không thay đổi nghĩa của câu. Như những tiếng: hổ, hùm, heo, lợn, vào, vô, hết, cả... Thí dụ từ hết với từ cả:

Câu 1 viết: Tôi hết viết chì rồi. Thì câu 2 viết: Tôi không còn cây nào cho anh mượn cả. (Đừng viết Tôi không còn cây nào cho anh muợn hết).

Hay “Em nhớ anh hoài” và “Em nhớ anh mãi”.

Có những tiếng địa phương hoàn toàn đồng nghĩa với nhau. Thí dụ:

Nam Việt: trái mận; Bắc Việt: quả roi

Nam Việt: trái thơm; Bắc Việt: quả dứa

Nam Việt: trái mảng cầu; Bắc Việt: quả na

Trung Việt: Cây sầu đông; Bắc Việt: cây xoan.

Có những tiếng địa phương khác cách phát âm, nhưng đồng nghĩa với nhau .

Bắc Việt: dần dần; Nam Việt: lần lần

Bắc Việt: Nhớn; Nam Việt: lớn

Bắc Việt: bảo vật; Nam Việt: bửu vật

Bắc Việt: nhời; Nam Việt: lời

Bắc Việt: sẹo; Nam Việt: thẹo

Bắc Việt: chung quanh; Nam Việt: xung quanh (18)

d. Lưu ý đến từ Việt đồng nghĩa với từ Hán-Việt. Tiếng Việt thường được dùng trong dân gian, còn tiếng Hán Việt được giới văn học sử dụng. Sau đây là vài thí dụ:

người đi lính đồng nghĩa với chinh phu

vợ cả đồng nghĩa với chính thất

cha đồng nghĩa với nghiêm đường

đàn bà đồng nghĩa với phụ nữ

Các bà vợ đồng nghĩa với các bà nội trợ, phu nhân.

- Anh tôi sắp đến tuổi đi lính, nghe dễ hiểu hơn: anh tôi sắp thành chinh phu.

- Nó không chăm chỉ học hành, nên bị cha nó phạt, thay vì: Nó không chăm chỉ học hành, nên bị nghiêm đường nó phạt.

- Trong gia đình, vai trò của “các bà nội trợ” rất quan trọng, nghe thanh tao hơn Trong gia đình, vai trò của “các bà vợ” rất quan trọng,

- Thủ tướng và phu nhân đến tham dự buổi tiếp tân, thay vì Thủ tướng và vợ đến tham dự buổi tiếp tân.

e. Dùng những từ được mọi người chấp nhận.

Trong tiếng Việt, có những từ đã được mọi ngươì chấp nhận, có thể coi đây là đặc trưng của ngôn ngữ Việt.

Thí dụ: chó mực, ngựa ô, ngựa bạch (không nói: chó đen, ngựa đen, ngựa trắng)

Bình minh, sáng sớm, sớm mai, buổi trưa, xế trưa, xế chiều, hoàng hôn, chiều tà, không nên đặt thêm “chiều trễ” nghe rất lạ trong khi có sẳn chữ xế chiều đã được nhiều người chấp nhận.

Con heo và con lợn hoàn toàn đồng nghĩa. Nhưng không nói bánh da heo, mà nói bánh da lợn. Không nói bánh tai lợn mà nói bánh tai heo.

3.2.2. Quan hệ ngữ pháp:

Từ của tiếng Việt không thay đổi hình thái. Quan hệ ngữ pháp của từ trong tiếng Việt là sự sắp xếp trật tự từ. Nếu thay đổi trật tự từ sẽ thay đổi nghĩa của câu.

Thí dụ 1: Ba câu sau đây, mỗi câu gồm bốn từ: sai, đâu, sửa, đó. Nếu thay đổi trật tự các từ thì mỗi câu sẽ có nghĩa khác nhau:

- Sai đâu sửa đó.

- Sai đó sửa đâu?

- Sửa đâu sai đó.

Thí dụ 2: Người không hút thuốc có nguy cơ mắc bịnh tim giảm so với người hút thuốc. Nên thay đổi trật tự nguy cơ mắc bịnh tim giảm thành giảm nguy cơ mắc bịnh tim.

Thí dụ 3: Khi nào anh đi Mỹ? (chưa đi). Anh đi Mỹ khi nào? (đi rồi)

2. Câu văn, đoạn văn và văn bản.

Sau đây là một số điểm cần quan tâm:

2.1. Đặt câu đúng ngữ pháp

2.2. Tránh lỗi về logic (luận lý)

2.3. Tránh lỗi về phong cách.

2.4. Vay mượn và pha tiếng nước ngoài

2.5. Câu văn và đoạn văn mạch lạc, đơn giản, rõ ràng

2.1. Đặt câu đúng ngữ pháp

Câu văn tiếng Việt phải chính xác, phù hợp với đặc trưng của tiếng Việt và văn hóa dân tộc. Sau đây là vài nét căn bản:

Một câu tiếng Việt có hai bộ phận chính: Chủ ngữ (C) và Vị ngữ (V), theo trật tự thuận, chủ ngữ đứng trước, vị ngữ đứng sau (C-V) .

Chủ ngữ: Là bộ phận thứ nhứt trong câu. Những từ dùng làm chủ ngữ thường là: Danh từ (Thí dụ: Học trò đi thi), Đại danh từ (Thí dụ: Tôi đang làm bài, Nó đi học), Tĩnh từ (Thí dụ: chăm chỉ hơn lười biếng), Động từ (Đi bộ tốt cho sức khỏe). Trong trường hợp nầy tĩnh từ và động từ được coi như một danh từ. Chủ ngữ có thể là một cụm từ (Thí dụ: Các học sinh đang chay bộ (các học sinh là cụm danh từ).

Vị ngữ: Là bộ phận thứ hai trong câu. Vị ngữ có thể là một từ, một cụm từ, một cụm chủ-vị. Vị ngữ chỉ hoạt động, trạng thái, tính chất, đặc điểm của người, vật, sự vật nêu trong chủ ngữ. Thí dụ: Học sinh đang làm bài (đang làm bài là vị ngữ). Chim hót (hót là vị ngữ). Trăng sáng quá (sáng quá là vị ngữ)

Mỗi kết cấu chủ-vị (C-V) được gọi là một mệnh đề. Dựa vào đặc điểm cấu tạo, có thể chia câu tiếng Việt thành câu đơn và câu phức (câu ghép).

Câu đơn: Chỉ có một kết cấu nòng cốt (C-V), còn gọi là mệnh đề độc lập, tự nó đủ nghĩa, có thể đứng một mình làm thành câu. Thí dụ: Trời đang mưa. Con chim bay vụt qua.

Câu phức (câu ghép): Có từ 2 kết cấu (C-V) trở lên. Nhiều mệnh đề hợp lại. Gồm có mệnh đề chính và mệnh đề phụ. Mệnh đề chính là mệnh đề đứng làm chủ trong một câu, nhưng chưa đủ nghĩa, phải có thêm một hay nhiều mệnh đề phụ mới làm thành câu. Thí dụ1: Tôi tưởng rằng (mệnh đề chính chưa đủ nghĩa) phải thêm Mệnh đề phụ là mệnh đề có nghĩa phụ thuộc cho mệnh đề chính. Câu trọn là: Tôi tưởng rằng anh đã đi Mỹ. (anh đã đi Mỹ là mệnh đề phụ)

Thí dụ 2: Tưởng rằng (mệnh đề chính) nước chảy đá mòn (mệnh đề phụ)

Ai ngờ (mệnh đề chính) nước chảy đá còn trơ trơ (mệnh đề phụ) (19)

Mệnh đề phụ nối với mệnh đề chính thường bằng những liên từ, hoặc giữa các vế câu cần có dấu phẩy (,), dấu chấm phẩy (;) hoặc dấu hai chấm (:)

Liên từ dùng để liên kết mấy tiếng cùng một loại, hoặc mấy mệnh đề, hoặc mây câu vào nhau: và, mà, thì, cùng, hoặc, hay là, nhưng, nhưng mà, song, song le, huống chi, vậy nên , rằng, khi, lúc, tùy, dù, nếu vv.. Thí dụ 1: Mẹ đã nói con không nghe (nối 2 mệnh đề). Thí dụ 2: Các học sinh cần phải mỗi ngày mỗi tiến bộ, vậy nên các em phải chăm chỉ học tập..(nối hai câu)

Dấu phẩy (,) Dấu phẩy được đặt xen kẽ trong câu.

* Dấu phẩy dùng để phân cách các từ cùng loại đi liền nhau.

(Danh từ) . Thí dụ1: Trong ngày Tết, trên bàn thờ được bày cúng các thứ như: bánh, mứt, bông hoa, trái cây. Thí dụ 2: Thức ăn sáng của tôi có bánh bao, cà phê, và sô cô la. (Động từ).

Thí dụ 1: Trong giờ học, các học sinh học đọc, học viết, học vẽ. Thí dụ 2: Trong giờ chơi, các học sinh nhảy dây, đá cầu.

(Tĩnh từ). Thí dụ: Học sinh phải siêng năng, chăm chỉ, lễ phép.

*Dấu phẩy dùng phân chia câu ra thành những mệnh đề.

Thí dụ 1: Người có lòng nhân ái thì không những chỉ thương xót đồng loại mà thôi, lại còn thương xót đến cả loài vật nữa. (Ta nên thương loài vật. Luân lý Giáo Khoa Thư. Lớp Sơ Đẳng).

Thí dụ 2: Tôi đến thư viện để muợn quyển Việt sử của Trần Trọng Kim, nhưng quyển sách nầy đã có người mượn.

Dấu chấm phẩy (;) * đặt giữa hai phần (hay hai mệnh đề) của một câu dài, mà mỗi phần đã đủ nghĩa, nhưng hai phần còn liên lạc với nhau chưa dứt hẳn.

Thí dụ 1: Đồng ruộng miền Nam Việt Nam rộng lớn; người nông dân miền Nam lại làm việc cần cù.

Thí dụ 2: Ban ngày đi làm ăn khó nhọc; tối đến cả nhà được đông đủ, sum vầy như vậy, tưởng không có cảnh nào vui hơn nữa. (Tối ở nhà. Quốc văn Giáo Khoa Thư. Lớp Dự Bị).

*Dùng nối hai mệnh đề đã đủ nghĩa mà không cần dùng các từ “và”, “nhưng”, “hoặc”. Thí dụ 1: Thầy giáo bước vào; các học sinh đứng dậy chào. Thí dụ 2: Buổi họp kết thúc; mọi người rời phòng họp.

Dấu hai chấm (:) Đặt giữa hai phần của câu, phần sau là lời giải thích, những mục kê ra, hoặc lời người nói ra. Thí dụ 1: Người bạn của tôi nói rằng: “Anh nên thức dậy trước 8 giờ để kịp chuyến xe...”. Thí dụ 2: Các thành phố lớn của Việt Nam là: Hà Nội, Huế và Sài Gòn.

Thí dụ: Dấu phẩy (,) chấm phẩy (;) hai chấm (:) Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi. Người bạn nói với Mặc Tử rằng: “Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc nghĩa; môt mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không” (Cổ học tinh hoa-Nguyễn văn Ngọc)

Câu sai ngữ pháp bao gồm những câu thiếu các bộ phận (thiếu chủ ngữ, thiếu vị ngữ...) và tất cả các lỗi về dùng từ (dùng từ thừa, thiếu, sai từ nối, sai trật tự từ) làm thay đổi cấu trúc của câu. Thí dụ:

a. Câu thiếu chủ ngữ:

Thí dụ: Qua truyện Kiều cho thấy cảnh thương tâm của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến

Câu đúng: * Truyện Kiều cho ta thấy…… * Qua truyện Kiều, ta thấy… * Qua truyện Kiều, Nguyễn Du cho ta thấy…..

b. Câu thiếu vị ngữ: Các học sinh trong lớp (thiếu vị ngữ). Câu đủ: Các học sinh trong lớp đang làm bài (đang làm bài là vị ngữ). Các nông phu (Chủ ngữ) đang làm việc trên cánh đồng (vị ngữ).

c. Câu sai trật tự từ: Theo nhận xét của một nhà giáo dục, trong khoảng vài năm gần đây, một vài tác giả hay viết sai văn phạm, kể cả trong các nhật báo phổ thông, khiến cho tiếng Việt thiếu trong sáng.

Thí dụ 1: Không tăng số người trẻ nghiện thuốc lá mới (Báo Nhân dân ngày 20 tháng 01 năm 2014). Câu này có nghĩa là “có một loại thuốc lá mới, làm sao để số người trẻ nghiện loại thuốc lá mới này không tăng lên”. Thực ra, người viết muốn nói “Không tăng số người trẻ bắt đầu nghiện thuốc lá”. (20)

Thí dụ 2: Tôi về từ cuộc săn bắn”. Trong câu văn tiếng Việt, hành động nào xảy ra trước thì kể trước: “Tôi đi săn bắn về”, không nóiTôi về từ cuộc săn bắn”. Ba hành động theo thứ tự trước sau: đi, săn bắn, về. Nếu viết theo lối văn “dịch” thì khi đọc lên nghe “chướng tai”.

Thí dụ 3: Vì tới trễ, tôi không kiếm được chỗ ngồi. Hành động trước rồi kết quả sau. Phải nói: Tôi tới trễ nên không kiếm được chỗ ngồi. “vì tới trễ” là tiếng bổ túc, chỉ nguyên nhân, không để phía trước. (21)

Thí dụ 4: Nạn nhân được nhìn thấy lần cuối vào 10h sáng 20.1, khi đang trên đường đến nhà một người bạn cách căn hộ của cô không xa. (VNExpress ngày 23 tháng 1 năm 2014). Câu này dịch theo cấu trúc Anh ngữ “was last seen”. Từ “được” trong tiếng Việt khi đứng trước một động từ khác biểu thị nghĩa bị động. Trong câu nầy, từ “được” với nghĩa bị động của tiếng Anh. Nếu đúng tiếng Việt thì: “Người ta nhìn thấy nạn nhân lần cuối vào 10h sáng…

Thí dụ 5: Xin giới thiệu với các bạn ca sĩ X đến từ Hà Nội (giới thiệu chương trình một buổi biểu diễn văn nghệ mừng Xuân Giáp Ngọ tại Hà Nội). Câu này dùng cấu trúc “đến từ” dịch của các thứ tiếng Châu Âu. (22.). Nếu có thể thay từ “đến từ” bằng từ “ người của, hoặc người” sẽ gần với câu văn Việt hơn: Xin giới thiệu với các bạn ca sĩ X, người của /người Hà Nội.

Hiện nay, trên phuơng tiện truyền thông, chúng ta thường nghe câu tương tự: “Thông báo nầy được chấp thuận bởi Thủ hiến và đọc bởi Xuân Lan. Nếu theo cấu trúc tiếng Việt thì “Thông báo nầy được Thủ hiến chấp thuận, và do Xuân Lan đọc.”

Từ ngữ và ngữ pháp luôn luôn thay đổi. Thời nào cũng có những tiếng mới để phô diễn tư tưởng, cách sinh hoạt, văn hóa, kinh tế, xã hội…Do đó, chúng ta có thể vay muợn nước ngoài vài cách hành văn hữu ích và thiết thực, nhưng chúng ta nên cố ráng giữ cách hành văn cho thuần túy Việt Nam, vì mỗi ngôn ngữ đều có qui tắc riêng của nó.

2.2. Tránh lỗi về logic (luận lý): Lỗi nầy do phát biểu nói hoặc viết không đúng trình tự hoặc không đúng hiện thực.

a. Sắp xếp không đúng trình tự

Thí dụ: Các học sinh vào lớp, lấy tập vở ra và ngồi vào bàn, chăm chỉ nghe cô giáo giảng bày và ghi chép. (Câu nầy không đúng trình tự). Sửa câu nầy theo trình tự: Các học sinh vào lớp, ngồi vào bàn, lấy tập vở ra, chăm chỉ nghe cô giáo giảng bày và ghi chép.

b. Không đúng hiện thực

Thí dụ 1: Một Bộ trưởng chỉ thị cho chánh quyền địa phương phải “tập trung phát triển nhanh, bền vững”. Tập trung phát triển nhanh mà bền vững thì không đúng hiện thực. Hoặc: Chúng ta cần phải tiến nhanh, tiến vững chắc….

Thí dụ 2: Chỉ có trong văn học, không có trong thực tế.

Tả về vẻ đẹp của nàng cung nữ (trong Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều Ôn Như Hầu):

“Chìm đáy nước cá lừ đừ lặn

Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa,

Hương trời đắm nguyệt say hoa,

Tây Thi mất vía, Hằng Nga giựt mình”

2.3. Tránh lỗi về phong cách.

Lỗi về phong cách là do người nói hay viết dùng từ không phù hợp với văn bản cần thể hiện. Thí dụ 1: Trong thư mời hợp viết: Sự hiện diện của Ngài là nguồn vui vô tận của chúng tôi. (không hợp phong cách).

Thí dụ 2: Đồ gỗ cao cấp đến từ nước Cộng hòa Pháp (hàng chữ trên một cửa hàng đồ gỗ phố Lý Nam Đế, Hà Nội) “đồ gỗ” không thể tự nó đi từ đâu đến đâu được. Thứ nữa, tên “nước Cộng hoà Pháp” được dùng trong các văn bản ngoại giao, mang tính chính thức chứ không dùng với “đồ gỗ”. Câu được sửa lại sẽ là “Đồ gỗ cao cấp của Pháp” hoặc “Đồ gỗ cao cấp sản xuất tại Pháp”. (23)

Có nhiều loại phong cách trong tiếng Việt: trong lãnh vực hành chánh, ngọai giao, kinh tế, pháp luật,khoa học, báo chí, truyền thông, tin tức…Khi sử dụng ngôn ngữ giao tiếp, cần chú ý những điểm sau đây:

a. Hoàn cảnh giao tiếp: Hoàn cảnh giao tiếp ảnh hưởng đến việc sử dụng ngôn ngữ. Hoàn cảnh giao tiếp trong gia đình khác với hoàn cảnh giao tiếp ngoài xã hội. Trong ngôn ngữ giao tiếp phải biết trường hợp nào, hoàn cảnh, nhân vật nào để dùng từ thích hợp, như cách xưng hô, cách thức nói năng…Thí dụ: Trong thư mời tham dự buổi tiệc gây quỹ giúp nạn nhân thiên tai, ghi “có văn nghệ giúp vui”. Văn nghệ giúp vui không thích hợp hoàn cảnh.

b. Hình thức giao tiếp: Hình thức giao tiếp cũng có vai trò quan trong đối với việc sử dụng ngôn ngữ. Thí dụ: cùng một tai nạn xe cộ trên đường phố. Một người chứng kiến tai nạn, về nhà gọi điện thoại thuật lại sự kiện cho người bạn. Đây là hình thức khẩu ngữ, dùng ngôn ngữ tự nhiên. Nhưng, nếu đưa sự kiện nầy lên truyền hình hay báo cáo cho cảnh sát, sẽ sử dụng ngôn ngữ và hình thức khác.

2.4. Vay mượn và pha tiếng nước ngoài.

Nếu cần vay mượn những chữ nào thì nên cố dịch sang Việt Ngữ để giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ và văn chương Việt. Không nên pha tiếng nước ngoài bừa bãi làm tiếng Việt lai căng, hổ lốn. (23) Chỉ vay mượn từ nước ngoài khi trong tiếng Việt không có, và từ được vay mượn phải phù hợp với truyền thống dân tộc được đa số người dân sử dụng. (25)

Trong văn nói cũng như văn viết, tránh lối nói “lai căng”, pha trộn tiếng nước ngoài bừa bãi, không cần thiết trong khi tiếng Việt có đủ từ để sử dụng. Thí dụ: Anh có “sure” (chắc chắn) là cái “problem” (vấn đề) nầy có thể “handle “(xử lý/giải quyết) được không? Câu nầy làm cho người nghe hay người đọc cảm thấy khó chịu.

Không nên vay mượn tràn lan, mà biết lựa chọn và Việt hóa để biến thành “tài sản” của ta. Tiếng Việt đã vay mượn những từ gốc Hán, gốc Pháp, và gốc Anh…để làm phong phú vốn từ của mình. Thí dụ: Từ show (sô) trong tiếng Anh có nghĩa là “buổi trình diễn nghệ thuật, suất diễn” nhưng hiện tại tiếng Việt còn thêm nhiều nghĩa:…một công việc nào đó đòi hỏi luân phiên, nhiều lần (chạy sô đi dạy, chạy sô đám cưới, chạy sô thuyết trình …). Từ hủ hóa, nghĩa gốc tiếng Hán là“thối nát” dùng để chỉ sự “hư hỏng, biến chất, sa đoạ”. (26)

Khả năng nổi bật của tiếng Việt là khi tiếp thu những yếu tố được vay mượn từ các ngôn ngữ khác nhau (như tiếng Hán, Pháp, Anh, Nga, Chiêm Thành, Cao Miên…) thì thường được Việt hóa một cách nhanh chóng làm cho Tiếng Việt ngày càng phong phú, “Như vậy, có thể thấy vay mượn là một hiện tượng phổ biến của nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Những điều kiện của xã hội hiện nay cho phép các cộng đồng khác nhau có thể tiếp xúc cùng lúc với nhiều ngôn ngữ. Hiện tượng song ngữ, đa ngữ đang trở thành phổ biến trong đời sống ngôn ngữ của nước ta.”. (27)

Có ý kiến cho rằng tiếng Việt trong sáng là phải thuần nhất, không pha tạp. Điều nầy tất yếu, nhưng rất khó. Bản chất ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội nên chắc chắn phải chịu sự tác động của các yếu tố xã hội và ít, nhiều sẽ có sự biến đổi. Tiếng Việt cũng nằm trong qui luật nầy.

Do giao tiếp với nhiều nguồn văn hóa khác nhau nên người Việt đã vay mượn từ nước ngoài, nhưng không vay mượn một cách thụ động mà qua cách đọc, cách sử dụng, đã biến các từ nước ngoài thành "tài sản" của riêng mình. (28)

Tuy nhiên, để gìn giữ và phát huy tính trong sáng của ngôn ngữ nước nhà, cần xem xét các yếu tố vay mượn, coi có đúng và thích hợp với ngôn ngữ và văn hóa nước nhà hay không.

2.5. Đoạn văn phải mạch lạc

Khi sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, ngoài một số qui tắc căn bản khi phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, còn cần phải chú trọng đến cấu trúc bài viết và lời nói.

a. Nói và viết giản dị: Kỹ năng nói và viết rất quan trọng trong giao tiếp. Viết/nói ngắn gọn, giản dị, súc tích, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.

Nói hay viết đều lấy người đọc hay người nghe làm trung tâm (reader/listener centred approach).Nói và viết giản dị không chỉ dùng từ, mà gồm cả cấu trúc bài viết hay bài nói, câu văn và đoạn văn giản dị. (29)

Nói hay viết giản dị là một nghệ thuật, đòi hỏi tác giả hiểu vấn đề và biết thính giả hay độc giả là ai, nhu cầu của họ là gì, sau đó tìm ngôn ngữ thích họp để diễn tả. Khi nói cũng như khi viết, nên:

- Dùng từ thông dụng, không cầu kỳ, không dùng tiếng lóng. Nếu dùng từ kỹ thuật, nên giải thích.

- Dùng thể chủ động thay cho bị động. (Thí dụ: Anh ta bị thầy giáo phạt hay là Thầy giáo phạt anh ta. Không nói: Anh ta bị phạt bởi thầy giáo)…

- Nói chậm để người nghe dễ theo dõi. Khi viết cũng viết câu ngắn, hay chấm câu thường xuyên để độc giả dễ đọc.(30)

b.Viết hay nói những câu đúng nghĩa: Viết hay nói những câu thiếu nghĩa làm cho người đọc hay người nghe khó hiểu hay hiểu lầm. Thí dụ: Một tác giả nọ bàn về bài “Qua Đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan, viết: “Nhưng âm nhạc đã lấp được cái lỗi trong thơ”

Nếu có một lỗi thì phải viết: Nhưng âm nhạc đã lấp được cái lỗi đó trong thơ”

Nếu có nhiều lỗi thì phải viết “ Nhưng âm nhạc đã lấp hết cái lỗi trong thơ”

Một thí dụ khác: Máu me đầy người, nó ghì chặt kẻ thù của nó”. Ý muốn nói “kẻ thù của nó máu me đầy người” mà viết như vậy làm cho người đọc hiểu lầm rằng” nó máu me đầy người”. Phải đặt tiếng bổ túc kế ngay những tiếng được bổ tức. Câu nầy trở thành: “Nó ghì chặt kẻ thù của nó, máu me đầy nguời”. (31)

c. Lưu ý đến hình thức và nội dung

Trong một bài văn, các đoạn văn, các câu phải có sự liên kết nhau, không sắp xếp rời rạc, lộn xộn. Có hai loại liên kết: liên kết hình thức và liên kết nội dung. Muốn sắp xếp các câu, chúng ta phải thêm những từ cần thiết khác và nếu cần thì thay đổi vị trí các câu. Sau đây là một chuỗi câu, nếu chưa sắp xếp liên kết thì không trở thành một đoạn văn:

Hãy còn là mùa đông. Vào hôm chúa nhựt trời khá đẹp. Chúng tôi đi dạo theo bờ biển. Chúng tôi ngắm những con tàu.

Ý chính trong bôn câu nầy là “ngằm những con tàu”. Vào lúc nào? Ở đâu? Những ý của các câu khác “Hãy còn là mùa đông”. “Vào hôm chúa nhựt trời khá đẹp”. “Chúng tôi đi dạo theo bờ biển”. Vậy phải kết hợp bôn câu nầy làm một: “Hãy còn là mùa đông, nhưng vào hôm chúa nhựt trời khá đẹp. Chúng tôi đi dạo theo bờ biển ngắm những con tàu”.

Qua những điều trình bày trên, ta thấy rằng trách nhiệm của báo chí là nói đúng và viết đúng. Dù thông tin được thể hiện bằng văn bản hay bằng lời nói cũng cần phải rõ ràng, đúng theo các chuẩn mực, qui tắc ngôn ngữ nhằm góp phần làm tiếng Việt trong sáng và đóng góp vào việc dạy và học ngôn ngữ trong học đường.

Nguồn: internet: Tuổi trẻ online

IV. Sử dụng báo chí trong việc dạy và học tiếng Việt

Trong thời đại ngày nay, báo chí là nguồn thông tin phong phú và cập nhật về mọi lãnh vực khác nhau của cuộc sống con người, bao gồm giáo dục mà đặc biệt là việc dạy và học ngôn ngữ. Báo chí cung cấp các ứng dụng ngôn ngữ phù hợp. Bên cạnh tính xác thực, báo chí cung cấp các sự việc đang xảy ra xung quanh ta, là nguồn tư liệu thiết thực cho việc học và dạy ngôn ngữ.

1. Báo chí là nguồn tài liệu hỗ trợ việc dạy và học ngôn ngữ.

Nhiều nhà giáo cùng quan điểm về sự ích lợi của việc sử dụng báo chí làm tài liệu hỗ trợ cho việc dạy và học ngôn ngữ. Báo chí cung cấp những đề tài đa dạng trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều từ vựng sát thực tế mà sách giáo khoa không có, hoặc không đầy đủ hay lỗi thời không thông dụng nữa. (32)

Vai trò quan trọng của giáo dục là dạy cho học sinh sử dụng những thông tin cập nhật, mà báo chí là nguồn tham khảo tốt nhứt. (33)

Báo chí luôn cung cấp tài liệu mới, nhiều đề tài mới mà học sinh cần tìm hiểu. Những nguồn thông tin trên báo chí rất thực tế, đáng tin mà học sinh cần để nâng cao sự hiểu biết. Báo chí là tài liệu hữu ích để nâng cao sự học ngôn ngữ. (34)

Báo chí có nhiều thể loại, như bình luận, kể chuyện, thư tín, quảng cáo, tường thuật…mà chứa đựng nhiều từ ngữ thực tế, sáng, gọn. (35)

Báo chí là một nguồn thông tin rất phong phú; tờ báo cung cấp thông tin về các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống và cung cấp các ứng dụng ngôn ngữ phù hợp. Trong lãnh vực giảng dạy ngôn ngữ, nó cung cấp cho giáo viên các tài liệu xác thực, rất hiệu quả khi sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp. (36)

Tóm lại, có nhiều cách sử dụng ngôn ngữ trong lớp học mà báo chí có thể giúp cho học sinh dễ tiếp thu. Báo chí phản ảnh sự thay đổi ngôn ngữ, giúp cho giáo viên và học sinh theo kịp thay đổi nầy. Hầu hết các tờ báo đều cập nhựt ngôn ngữ và cung cấp dữ liệu ngôn ngữ giá trị. Báo chí còn có nhiều thể loại, văn bản, phong cách ngôn ngữ hơn sách giáo khoa. Do đó, báo chí cần được sử dụng như tài liệu bổ sung trong việc học và dạy ngôn ngữ. (37)

2. Sử dụng báo chí làm tài liệu hỗ trợ dạy và học Việt ngữ

Nhu cầu của học sinh là biết sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp. Do đó, việc học một ngôn ngữ nói chung hay tiếng Việt nói riêng, đòi hỏi học sinh phải phải trau giồi bốn năng khiếu: nghe, đọc, nói và viết. Các nhà giáo dục đồng ý rằng áp dụng tiến trình giao tiếp trong việc giảng dạy ngôn ngữ giúp học sinh phát triển khả năng giao tiếp.

Để rèn luyện cho học sinh đạt được bốn kỹ năng trên, báo chí sẽ đóng góp một phần không nhỏ, vì báo chí có nhiều chủ đề giúp cho học sinh rèn luyện, nâng cao vốn từ vựng, các thể loại văn phong khác nhau và cách dùng từ diễn đạt ý. (38)

Việc sử dụng báo chí trong lớp học thường xuyên sẽ giúp cho học sinh biết thêm nhiều thông tin, có thêm nhiều ý tưởng tốt và làm quen với việc học từ vựng thiết thực một cách tự nhiên. (39) Nói chung, sử dụng báo chí trong lớp học giúp cho học sinh thêm nhiều vốn từ vựng, thành ngữ, từ ngữ, cấu trúc văn phạm, nâng cao năng khiếu giao tiếp, cập nhật tin tức đa dạng hàng ngày mà học sinh quan tâm. (40)

2.1 Sử dụng thông tin trên báo chí

Điểm khởi đầu cho việc học ngôn ngữ là nhu cầu và lòng mong muốn học và sử dụng ngôn ngữ của học sinh. Để đáp ứng nhu cầu của học sinh, ngoài việc áp dụng phương pháp giảng dạy, giáo viên cần sử dụng những thông tin của báo chí liên quan đến chủ đề bổ sung cho bài dạy, tạo ra bầu không khí sinh động cho lớp học, sẽ tăng cường sự tương tác giữa các học sinh trong lớp, giữa học sinh với giáo viên. Nội dung các bài báo rất xác thực tế, phong phú và sống động mà giáo viên có thể sử dụng để làm tài liệu thảo luận trong lớp học Báo chí sẽ được chọn để hỗ trợ giáo trình nhằm giúp cho học sinh liên hệ những gì được đọc, được học với thực tế cuộc sống của mình. Đọc báo Việt ngữ sẽ giúp học sinh trau giồi kiến thức cũng như kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp. Theo kết quả nghiên cứu về “Phụ huynh đọc sách báo tiếng Việt tại nhà cho con em”, có 128 phụ huynh tham gia trả lời bảng tham khảo (survey) và chấp thuận cho con em (128 học sinh) tham gia bài thi trắc nghiệm khả năng nói và viết tiếng Việt. Kết quả cho thấy đa số phụ huynh (75%) thường xuyên đọc sách báo tiếng Việt cho con em. Con số nầy giải thích sự tiến bộ về năng khiếu nói của trẻ em (41.4%), và 28.12% năng khiếu viết. Như vậy, phụ huynh đọc sách báo tiếng Việt thường xuyên cho con em góp phần tích cực vào khả năng tiếng Việt của chúng. (41)

Một số công trình nghiên cứu khác cũng xác định là cha mẹ đọc sách báo bằng tiếng mẹ đẻ giúp trẻ em phát triển năng khiếu học ngôn ngữ đó. (42)

2.2. Vài gợi ý về sử dụng báo chi như tài liệu hỗ trợ giáo trình

Tin tức phát triển mỗi ngày. Các giáo viên cần tìm và khai thác chủ đề khác nhau trên báo chí, sử dụng một số thông tin thực tế của tờ báo để nâng cao kiến thức cho học sinh và tăng cường các kỹ năng tiếp thu (đọc và nghe) và diễn đạt (viết và nói). Để cải tiến năng khiếu đọc cho trẻ em, phụ huynh và giáo viên cần hợp tác chọn những loại sách báo nào thích hợp nhu cầu và tuổi tác của chúng. (43)

2.2.1. Phát triển kỹ năng ngôn ngữ

a. Kỹ năng tiếp thụ: Kỹ năng đọc: Học sinh cần được đọc những tài liệu hữu ích thuộc nhiều thể loại khác nhau, nằm trong chủ đề có liên quan đến nhu cầu học hỏi. Bài đọc không cần có nhiều từ quá khó. Cần chú trọng đến các từ, câu văn và đoạn văn. Tập ghi nhận ý và tóm tắt ý chính bài đọc. Kỹ năng nghe: Học sinh nghe giáo viên đọc những bài báo chọn lọc đúng trình độ, hoặc luyện kỹ năng nghe qua sinh hoạt trong lớp như: đàm thoại, đối thoại về những sinh hoạt hàng ngày trong bối cảnh tự nhiên.

b. Kỹ năng diễn đạt: Kỹ năng viết: Luyện kỹ năng viết nhằm giúp học sinh diễn đạt cảm nghĩ, ý kiến của mình. Trong lớp học, giáo viên tập cho học sinh viết có hướng dẫn bằng cách viết lại những gì tiếp thu được trong lúc thảo luận hay đọc bài báo. Dần dần, học sinh sẽ tập viết có tính cách sáng tạo theo nhiều thể loại và mục tiêu khác nhau. Tập viết phải chú ý đến ngữ-pháp, từ vựng, và thể loại, từ dễ đến khó. Kỹ năng nói: Luyện kỹ năng nói trong bối cảnh tự nhiên qua các cuộc đối thoại, đàm thoại dựa vào các bài báo họp chủ đề trong giáo trình.

2.2.2. Vấn đề cần quan tâm

Báo chí có rất nhiều chủ đề thiết thực khiến cho học sinh ưa thích tìm hiểu. Nhưng hiện nay có rất nhiều báo chí, tạp chí, từ báo giấy đến báo trên mạng internet...nên giáo viên cần chọn tài liệu trong tờ báo, tạp chí nào thích họp với trình độ học sinh để việc dạy và học ngôn ngữ có hiệu quả. Ngoài ra, giáo viên cần chú ý đến nội dung các tài liệu giảng dạy. Các tài liệu trong báo chí có nội dung không đi ngược lại nền văn hóa dân tộc. Ngôn ngữ Việt là kết tinh những giá trị bản sắc, tinh hoa của dân tộc. Truyền thống văn hóa Việt Nam đề cao con người sống có nhân cách, có lòng yêu thương: yêu gia đình, yêu đồng bào, đồng loại và yêu quê hương đất nước, có tinh thần bất khuất, có ý chí quật cường, có lòng tin vững chắc nơi tương lai của dân tộc

V. Kết luận

Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta nhận thấy báo chí quốc ngữ và chữ Quốc ngữ có mối liên hệ chặt chẽ. Sự phát triển của chữ quốc ngữ góp phần thúc đẩy báo chí phát triển, và ngược lại nhờ báo chí phát triển làm cho chữ quốc ngữ hoàn thiện, phát triển nhanh, đi vào đởi sống công chúng.

Cùng với sự phát triển của xã hội, tiếng Việt là một sinh ngữ nên không ngừng phát triển. Trong quá trình phát triển của tiếng Việt, đã có sự đóng góp quan trọng của báo chí. Nhiệm vụ của báo chí, ngoài việc thông tin đến công chúng một cách rõ ràng, chính xác, thì bài báo còn phải theo đúng chuẩn mực, qui tắc căn bản của tiếng Việt để làm cho tiếng Việt trong sáng. Có thể nói, báo chí, ngoài ảnh hưởng đền cuộc sống hàng ngày của xã hội, còn giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, và hỗ trợ việc học ngôn ngữ trong học đường.

Sử dụng báo chí Việt ngữ làm tài liệu hỗ trợ cho chương trình dạy và học tiếng Việt sẽ mang lại những kết quả theo hướng tích cực cho học sinh. Thật vậy, sử dụng tài liệu từ báo chí, ngoài việc giúp học sinh hiểu biết qui tắc, chuẩn mực của tiếng Việt, còn nâng cao kiến thức để rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Việc nầy đòi hỏi người giáo viên đóng góp nhiều công sức và thời gian. Sự đóng góp nầy rất xứng đáng vì những lợi ích mà báo chí mang lại cho học sinh.

Nguyễn Văn Bon

Tháng 9 năm 2019

VI. Ghi chú

1. GSTS Phạm văn Tính: Tiếng Việt có còn trong sáng?

http://wwwttgn.edu.vn/...viet/... tieng-viet-co-con-trong-sang.(8/6/2015) Viện ngôn ngữ. Sau nầy ghi GSTS Phạm văn Tính, nt.

2. ANTGCT. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt như thế nào? www.baomoi.com 10/8/2013)

3. Peterson Tumwebaze. How newspapers can play key role in education. The New Times. https://www.newtimes.co.rn Dec 13/2017 and Newspaper Association of America Foundation. A Teacher’s Guide to using Newspapers to Enhance Language Arts skills, Reading Rockets. www.readingrockets.org

4. Dương Quảng Hàm. (1968). Việt Nam Văn Hoc Sử Yếu. In lần thứ muời.NXB: Trung Tâm Hoc Liệu- Bộ Giáo duc (VNCH). Trang 34, trang 404-405 và Nguyễn văn Bon (2015). Nhìn lại những chặng đường đã qua và vai trò của chữ Quốc ngữ trong việc duy trì và phát triền nền văn hóa nước nhà (cùng tác giả). Tập san số 9. Nghiên cứu văn hóa Đồng Nai & Cửu Long , Úc Châu. Trang 24-25; 27-28

5. Mặc Giao. (2004). Một Cách Nhìn Khác về Văn Hóa Việt Nam. In lần thứ nhứt. NXB: Tin Vui Hoa Kỳ, trang108.

6. (Hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 5/11/2016 tại Hà Nội…Nguồn: Thành Huy Long

7. Thanh Chương. Báo động về “rác” ngôn ngữ. www.nhandan.com.vn 27/12/2016 .

8. Nguyễn Văn Hải. (2016). Báo chí đi đầu trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: Tạp chí Người làm báo điện tử Nguoilambao.vn 01/07/2016

9. Mỹ Hạnh: Để dùng từ đúng sai. http://www.spnttw.edu.vn, ngày 21/08/2013; PTS Đỗ thị Kim Liên. Ngữ pháp tiếng Việt. NXB Giáo dục.VN 1999 trang 17).

10. Lê Biên.(1998). Từ loại tiếng Việt hiện đại. In lần thứ tư. NXB: Giáo dục.Hà nội (VN). Trang 6-7.

11. GSTSKH Nguyễn Quang Hồng: Giữ gìn và phát triển tiếng Việt. http://tiengvietmenyeu.wordpress.com (8/4/2012).

12. Hữu Đạt; Trần Thị Dõi & Đào Thanh Lan.(1998). Cơ sở tiếng Việt. NXB: Giáo Dục.Hà Nội VN, trang 20-21

13. Nguyễn Hiến Lê: Luyện văn. NXB: Đại Nam, USA, không ghi năm, trang 270. Sau nầy ghi Nguyễn Hiến Lê, nt.

14. Nguyễn Hiến Lê, nt, trang 263

15. GSTSKH. Trần Ngọc Thêm. Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ trong quan hệ với bảo tồn văn hóa trong kỷ nguyên toàn cầu hóa http://tranngocthem.name.vn (19/01/2013)

16. Đại Từ điển Tiếng Việt 1998. NXB Văn hóa Thông tin.Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam, trang 601). Sau nầy ghi: Đại từ điển Tiếng Việt. 1998, nt.

17. Đại từ điển Tiếng Việt. 1998, nt, trang 98 và 1705

18. Nguyễn Hiến Lê, trang 78-101

19. Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn quang Oánh: Tiểu học Việt Nam Văn phạm. NXB: Tân Việt (Nam Việt Nam). Nhà xuất bản Xuân Thu in lại tại Los Alamitos CA (USA) năm 1990. trang35-36)

20. GS Ngô Như Binh (DH HARVARD-MỸ.). Cần đặt lại vấn đề giảng dạy ngữ pháp tiếng Việt trong trường học. http://Laodong.com.vn. 02/02/2015). Sau ghi là Ngô Như Bình, nt

21. Nguyễn Hiến Lê, nt. trang 289-290).

22. Ngô Như Binh, nt.

23. Ngô Như Bình, nt

24.. Đào Văn Bình. Thế nào là tiếng Việt trong sáng ?. chuaphuclam.vn 1/2013

25. Hữu Đạt; Trần Thị Dõi & Đào Thanh Lan.(1998). Cơ sở tiếng Việt. NXB: Giáo Dục. Hà Nội VN, trang 21.

26. GSTS Phạm Văn Tính. Nt.

27. Lê Phượng-Trần Như Quốc Hiếu Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nói và làm http://www.votrandaiviet.org/ (23/11/2011). Sau nầy ghi Lê Phượng -Trần Như Quốc Hiếu,nt

28. Lê Phương – Trần Như Quốc Hiếu. Nt.

29. Plain Language: Writing for Readability. English 302 –Writing for Government. http://web.uvic.ca (2013)

30. Plainlanguage: http://www.Plainlanguagenetwork.org/About_Plain_Language/aboutplainlanguage.html (1/6/2015)

31. Nguyễn Hiến Lê,nt, trang 70..

32 Nguyễn Thị Hồng Hoa. (2010). Báo chí: Tại sao không là tài liệu hỗ trợ trong việc dạy và học tiếng Anh. Tạp chí Khoa hoc và Công nghệ, Đại học Đà Nẳng, số 5 (40) 2010). Sau nầy ghi Nguyễn Thị Hồng Hoa, nt.

33. Shivender Rahul. (2016). Role of newspapers in learning English language: A linguistic study. International Journal of English language, literature and translation studies.Vol.3.issue 1, 2016. http://www.ijelr.in)

34. Dr. Reena Mittal. (2014). Role of newspaper in English language learning. International journal of Research (UR). Vol.1,issue 6, july 2014 ISSN 2348-6848).

35. Lindsay Clandfield and Duncan Foord. (2011). Teaching materials: using newspapers in the classroom. http://www. Onestopenglish.com/methodology

36. Amina Gogo Tafida&Bala Muhammad Dahatu (2014). Using newspapers in teaching English as a second language. Journal of Educational Research and Reviews.Vol 2(5),pp 61-65,8/2014)

37. VilmaTafani.(2009). Teaching English though Mass Media. Acta Di Dactica Napocensio. Vol.2, N#1,2009,22.2.2009)

38. Nguyễn Thị Hồng Hoa, nt.

39. Dr. Reena Mittal. (2014). Role of newspaper in English language learning. International journal of Research (UR). Vol.1,issue 6, july 2014 ISSN 2348-6848).

40. Shivender Rahul .(2016). Role of newspapers in learning English language: A linguistic study. International Journal of English language, literature and translation studies.Vol.3.issue 1, 2016. http://www.ijelr.in)

41. Nguyễn văn Bon. (2010). Vai trò của gia đình trong việc duy trì tiếng Việt tại hải ngoại. Tập san nghiên cứu văn hóa Đồng Nai & Cửu Long, số 4, năm 2010, trang 17-35

42. Lennox, S. (1995). Sharing books with children. The Australian Early Childhood Association, 20, 12-16.; Stevens, J. H. JR., Hough, R. A., & Nurss, J. R. (1993). The influence of parents on children’s development and education. In B. Sprodex (Ed.), Handbook of research on the education of young children (pp. 337-347). Sydney: MacMillian Publishing Company; Gillet, S., & Bernard, M. E. (1988). Reading rescue- A parents’ guide (2rd ed.). Victoria (Australia): Susan Gillet and Michael Bernard.

43. Saunders, G.(1988). Bilingual children: From birth to teens. Clevedon: Multilingual Matters; Ebbeck, M. A.(1991).Specific teaching strategies for working with ethnic minority children. In M. A. Ebbeck (Ed.), Early childhood education (pp. 106-108). New York: Longman Cheshire.